(hay “Bài ca cách mạng” không có phổ nhạc, viết riêng cho Idol từ tấm bé của tôi.)
Dấu chấm than là gì?
Dấu chấm than còn được gọi là dấu than, dấu cảm thán, dấu chấm cảm được kí hiệu là (!) Giống như tên gọi của mình, dấu chấm than có tác dụng thể hiện cảm xúc, nhấn mạnh và kết thúc câu.
Được sử dụng ở cuối câu cảm thán, câu cầu khiến, câu mệnh lệnh.
Dấu chấm than đứng một mình còn được sử dụng như một dấu hiệu cảnh báo.
Dấu chấm than là một dấu câu trong bảy dấu câu phổ biến nhất thế giới của hệ thống dấu câu nói chung và tất cả ngôn ngữ thuộc hệ chữ Latin nói riêng.
Lịch sử và sự phát triển
Dấu chấm than được sử dụng lần đầu tiên bởi các nhà in vào cuối thế kỷ 15, theo Thomas MacKellar, trong cuốn sách năm 1885 của ông, “The American Printing: A Manual of typography”. MacKellar cũng lưu ý rằng dấu câu có nghĩa là “sự ngưỡng mộ hoặc cảm thán” cũng như “bất ngờ, ngạc nhiên, sung sướng và những cảm xúc bất chợt của tâm trí”. Dấu câu này xuất phát từ tiếng Latin. Smithsonian nói: “Trong tiếng Latinh, câu cảm thán là “io”, trong đó chữ i được viết phía trên chữ o. Và, vì tất cả các chữ cái của chúng được viết dưới dạng chữ hoa, chữ I có chữ O bên dưới trông rất giống một dấu chấm than.”
Cho đến năm 1970, dấu chấm than có phím riêng trên bàn phím.
(Lược dịch và trích dẫn từ: www.thoughtco.com)
Và cho đến ngày nay thì dấu chấm than hẳn đã không còn xa lạ với bất kì ai và vô cùng thông dụng trên mạng xã hội để thể hiện cảm xúc của người viết một cách rõ ràng, đa dạng và phong phú hơn.
Các trường hợp sử dụng dấu chấm than.
Như đã nói ở trên, dấu chấm than được sử dụng với mục đích biểu cảm trong câu cảm thán, câu cầu khiến và câu mệnh lệnh. Nhưng thật ra, dấu chấm than được sử dụng nhiều hơn cả là trong việc diễn đạt cảm xúc với âm lượng lớn (hét to, la làng). Tính cảnh báo, nhấn mạnh nội dung trong câu (Cẩn thận!). Hoặc thể hiện sự bất ngờ và bối rối (trong một tình huống không ngờ được)
Hay là để khẳng định điều mình đang nói.
Ví dụ:
– “Tôi chắc chắn phải làm rõ chuyện này!”
– “Mày chắc chưa?” A hỏi. B: “Chắc!”
Trong những văn bản chính quy như sách, báo, văn bản báo cáo và cả đơn từ (tất nhiên) Dấu chấm than gần như không được sử dụng và được xem là không chính quy. Mặc dù ngày nay thì việc viết báo đã không còn quá nghiêm ngặt như trước nhưng việc sử dụng dấu “!” và “?!” hay “!?” thậm chí là cả “(!)” đều được hạn chế ở mức cực kì gắt gao.
Dấu “!!!” là gì?
Multiple exclamation mark – hay là nhiều dấu chấm than. Được sử dụng phổ biến trong lối viết không chính quy (informal writing). Người ta thường sử dụng một hoặc nhiều dấu chấm than để thể hiện sự kích động của mình trong câu.
Cùng với Interrobang/ Interabang – dấu câu “‽” (hay còn được viết là “!?”, “?!”, “?!?”) cũng là dấu chấm than thường được sử dụng trong những câu thể hiện sự phấn khích, câu hỏi hoài nghi và câu hỏi tu từ.
Bắt nguồn từ đâu?
Khi các người điều hành ra chỉ thị cho các thư ký, họ sẽ nói “bang” để chỉ ra dấu chấm than, dẫn đến thuật ngữ interabang, một dấu chấm câu không chuẩn dưới dạng dấu chấm hỏi được đặt chồng lên dấu chấm than “‽” (đôi khi xuất hiện dưới dạng dấu hỏi chấm và chấm than “?!”) Nó được sử dụng để kết thúc một câu hỏi tu từ hoặc một câu hỏi và câu cảm thán đồng thời. Sau đó, một số nhà văn đã bắt đầu sử dụng nhiều dấu chấm than như là một kết quả hợp lý của dấu “‽” và dấu chấm than duy nhất để nhấn mạnh hơn vào các từ, cụm từ và câu.
(Lược dịch và trích dẫn từ: www.thoughtco.com)
Quan điểm thế giới: Chính quy hay không chính quy?
Hiện nay vẫn còn không ít những cuộc tranh cãi về việc dấu chấm than có phải là một dấu câu trong văn bản chính quy (formal) hay không. Số đông những người theo quy tắc ngữ pháp thì cho rằng nó không chính quy, một số ít cho rằng không nên lạm dụng. Và nhiều lập luận cho rằng dấu chấm than khiến cho người đọc mất tập trung vì sự rườm rà của nó.
Tuy nhiên, một số nhà văn chuyên nghiệp thường sử dụng dấu chấm than một cách tự do trong tác phẩm của họ và một tác giả bán chạy nhất, Tom Wolfe, được biết đến là một fan hâm mộ lớn của dấu chấm than.
Truyện tranh cũng thường sử dụng dấu chấm than để nhấn mạnh và để tăng thêm kịch tính cho các tranh của họ.
Một số thương hiệu nổi tiếng đã kết hợp dấu chấm than vào tên của họ. Ví dụ: Jeopardy! Thú vị hơn là Jeopardy! (Nguy hiểm) và Yahoo! thực sự phải có dấu chấm than đi kèm với nó.
Trong khi một vài dấu chấm than có thể tốt trong văn bản sáng tạo, có lẽ tốt nhất là không nên dùng chúng trong văn bản chính thức hoặc học thuật.
(Lược dịch từ: grammar.yourdictionary.com)
Khi mà dấu chấm than không được coi là chính quy vì tính biểu cảm của nó thì các tác giả văn chương, tiểu thuyết và văn học trên khắp thế giới lại không câu nệ vấn đề này. Sự chính quy và tính biểu cảm trong câu chữ vẫn luôn được ưu tiên cái sau lên trước. Vì thế nên rất nhiều tác giả ưa chuộng một sự phá cách nào đó trong bản thảo của mình sau đó lại được sử dụng trong in ấn xuất bản.
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi dấu chấm than vẫn tiếp tục vì những tác giả yêu chuộng lối viết cổ điển thì cho rằng việc sử dụng dấu “!” quá nhiều thể hiện trình độ kém (do phải dùng dấu câu để biểu cảm thay vì ngôn ngữ chăng?) và quá nhiều dấu “!” liên tục như “!!!” và hơn thế là một hành động sai quy tắc quy phạm dấu câu quốc tế.
Quan điểm cá nhân:
Suy nghĩ cá nhân tôi cho rằng quy chuẩn đúng là một điều tuyệt vời để nâng cấp kĩ năng viết của bản thân nhưng khi quá cứng nhắc, thì dường như các tác phẩm đang bị giam cầm trong cái lồng ngôn ngữ vậy.
Có thể do tôi là một kẻ đọc nhiều truyện tranh hơn tiểu thuyết. Nhưng ngôn từ không phải là tuyệt đối. Nó vẫn cần được sự hỗ trợ từ sự trình bày để biểu đạt cảm xúc tốt nhất. Có những khoảng lặng mà ngắt dòng là không đủ. Có những khoảng lặng mà miêu tả cảnh vật thay tiếng lòng là sự phô diễn kĩ thuật đầy sáo rỗng.
Có những khi, chỉ dấu câu là đủ để thể hiện cảm xúc của khoảng lặng chóng váng để chuyển tiếp cảm xúc và lời thoại.
Ví dụ 1: “Anh cút đi! Cút!”
Ví dụ 2: “Anh Cút Đi! Cút!”
Ví dụ 3: “Anh cút đi!!! Cút!!!”
Ví dụ 4: “Anh Cút Đi!!! CÚT!”
Bạn đọc liệu có cảm thấy sự khác nhau trong câu thoại? Bạn có cảm nhận được cung bậc cảm xúc khác nhau trong chúng không? Nếu như với ví dụ 1 và 2 để hiểu rõ được cảm xúc của nhân vật trong câu thoại này cần thêm phần miêu tả: “Cô nhợt nhạt cất lời bằng một giọng điệu thản nhiên…” hoặc “Cô hét lên bằng âm thanh khàn đến lạc giọng…” thì mới có thể hiểu được cảm xúc của nhân vật.
Còn với ví dụ 3 và 4, hẳn là bạn sẽ rất nhanh nắm bắt được cảm xúc của nhân vật mà chưa cần đến bất kì miêu tả phụ trợ nào. Và hơn cả, những câu thoại sử dụng dấu “!!!” có tính cảm xúc chân thật hơn những miêu tả phụ trợ.
Suy cho cùng, chúng ta đang viết cái gì? Một tác phẩm văn học xuất bản chính quy với sự đánh giá phê bình của Hội nhà văn và những tác giả, nhà phê bình chuyên nghiệp? Hay là văn chương miêu tả chân thật và cảm xúc đời thường?
Không phải tất cả các nghệ sĩ, các nhà văn đều có một mục đích là khiến cho tác phẩm của mình chạm được đến cảm xúc của người đọc hay sao?
Bạn có phải là người viết theo phong cách ưu tiên những cảm xúc thực của ngôn ngữ biểu cảm và cũng cảm thấy (hoặc chú trọng) yếu tố trình bày văn bản cũng là một cách truyền đạt cảm xúc?
Hay bạn là một tác giả theo phong cách cổ điển, yêu cầu gắt gao với nhưng quy tắc văn phạm và cảm thấy việc sử dụng dấu câu (mà ở đây tôi chỉ đang nói đến “!!!” là ví dụ cụ thể) để biểu đạt cảm xúc là một ý nghĩ vớ vẩn kiểu nông cạn, trẩu… không phù hợp để sử dụng trong văn chương, tiểu thuyết?