Tìm Hiểu Ý Nghĩa BÁT NHÃ BA-LA-MẬT ĐA TÂM KINH THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
DẪN NHẬP
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh là bài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông được nhiều người đọc thuộc, nhưng về ý nghĩa thì cũng có nhiều gút mắc vì kinh được tụng đọc bằng âm Việt nhưng phải hiểu theo nghĩa tiếng Hán. Nhân 3 tháng an cư Kiết Đông 2015 tại Tổ Đình Thiền Tánh Không, Perris, California, chúng tôi được giảng dạy và ôn tập lại bài kinh này và hôm nay có ý muốn ghi lại chia sẻ cùng các bạn có nhu cầu muốn nghiên cứu tìm hiểu. Đây chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi ở một góc cạnh nào đó của bài kinh theo cái nhìn của Thiền Tánh Không. Cũng xin thưa cùng độc giả, với kiến thức thô thiển của người chập chửng trên con đường tu học nên chắc chắn chưa nêu lên hết những nghĩa lý thâm sâu của chư Tổ muốn truyền dạy. Nếu có điều gì sơ sót đó là lỗi của người viết, chứ không phải lỗi của người dạy. Kính thỉnh chư tôn thiền đức từ bi hoan hỷ, và dạy dỗ để chúng con có cơ hội học hỏi thêm về nền minh triết bao la của đạo Phật. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
BÁT NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh,
“Xá-Lợi-Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.”
Cố thuyết Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa chú. Tức thuyết chú viết: ” Yết-đế, Yết-đế, Ba-la-yết-đế, Ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề Tát-Bà-Ha” (3 lần)
NGUỒN GỐC
Vào khoảng thế kỷ thứ 7, ngài Trần Huyền Trang là một cao tăng đời nhà Đường, Trung Hoa đã vượt biên giới sang Ấn Độ thỉnh kinh. Khi trở về nước, ngài viết quyển “Tây Du Ký” ghi lại những chi tiết xảy ra trong suốt thời gian 12 năm chu du khắp Ấn Độ từ Bắc xuống Nam và qua tới Tích Lan. Trong đó, có sự kiện trên đường đi ngài đã trải qua nhiều gian nan khổ cực, tưởng như đã mất mạng khi bị lạc vào sa mạc bảo cát, may nhờ gặp một người áo trắng dạy bài Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Ấn Độ, ngài đã tụng đọc và thoát chết. Sau cùng đến được Ấn Độ bình an. Qua sự kiện này, người ta đoán vị áo trắng đó là Đức Quan-Thế-Âm Bồ Tát.
Trong hệ thống kinh Bát Nhã, tác phẩm cuối cùng được dịch ra là “Bát Nhã Tâm Kinh” hay là “Bát Nhã Ba-La-Mật Đa Tâm Kinh”. Đó là dịch theo âm Hán Việt. Bài này gồm 262 chữ, là bài kinh ngắn nhất trong hệ thống kinh Bát Nhã Ba-La-Mật.
NỘI DUNG BÁT NHÃ TÂM KINH
Bài Bát Nhã Tâm Kinh được nhiều vị tôn đức dịch ra tiếng Việt. Nhưng bài viết này dựa trên bản Hán Việt ở trên. Trước hết chúng ta tìm hiểu sơ lược về một số từ ngữ hầu giúp chúng ta hiểu ý từng đoạn kinh quan trọng.
– Maha: Đại, lớn, ý nói đến trí huệ rộng lớn sâu sắc.
– Ba-La-Mật: Âm từ chữ Paramita, tức là “qua bờ bên kia”. Người Trung Hoa dịch là “đáo bỉ ngạn” nghĩa là “đã tới bờ bên kia”. Ba-La-Mật ra ngoài chân lý quy ước, nó thuộc chân lý tối hậu. Chúng ta hiểu một cách tổng quát đó là: Sự kiện toàn của Trí Tuệ, Trí Tuệ hoàn hảo, Trí Tuệ cao nhất… gọi là Bát Nhã Ba-La-Mật.
– Kinh: Lời dạy của Đức Phật thường gọi là Kinh. Kinh dạy chúng ta tu tập để thoát khổ, giác ngộ và giải thoát. Lời Tổ chú thích về Kinh thường gọi là Luận. Sau này, các vị Tổ viết ra những bộ Luận vẫn ghi là Kinh. Ví dụ như: Ngài Thần Hội, đệ tử trẻ nhất của ngài Lục Tổ Huệ Năng ghi lại những lời dạy của Lục Tổ đề là “Kinh Pháp Bảo Đàn”. Cũng như những bộ Kinh của hệ Phát Triển như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Kim Cang v.v… cũng đề là Kinh, nhưng thực ra chỉ là những bộ Luận thôi!
– Tâm Kinh: Hiểutheo hữu vi pháp, thì tâm đây là trái tim, trái tim giới hạn sự sống chết của con người, trái tim động là sống, không động là chết. Trái tim trong đạo Phật thường được hiểu qua các từ ngữ như “mạng mạch” là sinh mạng của giáo pháp nhà Phật. Nói về chân đế, Bát Nhã Tâm Kinh là trái tim sống hoài của đạo Phật, có nghĩa là Trí Tuệ siêu việt. Nói về tục đế, Bát Nhã Tâm Kinh là trái tim của giáo pháp.
Nghĩa chung, Bát Nhã Ba-La-Mật Đa Tâm Kinh là Kinh quan trọng nói về Trí Tuệ Bát Nhã.
TÁNH KHÔNG
“Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”
Về sau, danh xưng Bồ-Tát đòi hỏi 2 giai đoạn: Tự giác – Giác tha, hay Tự độ – Độ tha, nghĩa là chính mình phải giác ngộ sau đó phát tâm giúp đỡ người khác, cho nên con đường tu tập và giáo hoá chúng sanh gọi là Bồ-Tát đạo.
– Hành thâm: Thực hành ở trong định, sâu sắc trong Trí tuệ kiện toàn.
– Bát-Nhã Ba-La-Mật: Là Huệ tới bờ bên kia, nghĩa là ngài đã đi qua hết chặng đường tu tập, bây giờ đã tới mức cuối cùng, nghĩa là đã qua tới bờ giải thoát, và kết quả là ngài đạt Trí Tuệ siêu vượt, nhận ra bản thể của Ngũ uẩn là trống không.
– Giai không: Giai là tất cả. Giai không là tất cả đều trống không.
– Độ: Con đò đưa mình qua sông, cứu vớt, giúp đỡ…
– Nhất thiết: là tất cả
– Ách: Là cái gông buộc ngang đầu con bò, những đau khổ đè nặng lên mình gọi là khổ ách .
– Ngũ uẩn giai không:Con người hay Ngũ uẩngồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khi phân tích con người do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức kết hợp mà thành, Đức Phật giảng rằng mỗi khối đó không thường hằng, không thực chất cố định nên nó trống không, gọi là Vô Ngã. Trong bài kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật đưa ra ba đặc điểm của con người và hiện tượng thế gian là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã gọi chung là Tam Pháp Ấn. Về sau các vị Tổ lập thêm Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Không gọi là Tứ Pháp Ấn. “Không” trong Tứ Pháp Ấn dùng để khai triển về cái Ta, đó là: Không Ta, không cái của Ta, không tự ngã của Ta. Sau cùng các ngài rút gọn lại chỉ còn một pháp gọi là Nhất Pháp Ấn là Không. “Không” này bao trùm khắp pháp giới.
Ngũ uẩn không thực chất, không thường hằng cho nên bản thể của nó trống không. Đó là ý nghĩa của “Ngũ uẩn giai không”.
Khi kết luận “Ngũ uẩn giai không”, không có nghĩa là phủ nhận không có Ngũ uẩn. Cái nhìn vạn vật trống không là cái nhìn của Trung đạo. Trung đạo tức là không rơi vào hai cực đoan: Có và Không.
Nhắc lại ý nghĩa Trung đạo của “Không”, chúng ta cần hiểu nó không có nghĩa phủ định. Và chữ “Không” ở chỗ “Ngũ uẩn giai không” là chữ “Không” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “trống không” chứ không phải chữ “Không” trong ý nghĩa tiếng Việt là “không có”.
Về sau Trung đạo có ý nghĩa là không rơi vào hai cực đoan: Có và Không. “Có” tức là có mặt, có hiện hữu, thuật ngữ gọi là “Thường kiến”. Còn “Không” là phủ nhận hoàn toàn không có hiện hữu, thuật ngữ gọi là “Đoạn kiến”.
Chủ trương “Thường kiến” thì cho rằng mọi vật hay con người, hay thế gian này là thường hằng bất diệt, tức là trong con người có cái Ngã trường cửu, còn gọi là linh hồn trường cửu. Còn chủ trương “Đoạn kiến” thì cho rằng thế gian này chấm dứt là hết, con người chết là hết, là xong, không có luân hồi sinh tử, không có tương quan nhân quả, không có nghiệp báo.
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
(Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, sóng Như sương và như chớp Nên quán sát như thế)
– …độ nhất thiết khổ ách: Trở lại bản thể của con người là trống không vì do nhiều duyên, nhiều nhân mà thành, khi nhân duyên tan rã thì con người đó không còn, do quy luật biến dịch, luôn luôn lưu động, luôn luôn chuyển hoá, khi gặp duyên khác phù hợp, kết lại thành một hình thể khác. Nhưng tại sao khi nhận ra con người là Vô ngã, là Vô thường, là trống không, thì không còn đau khổ nữa? “Ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Đó là vìchúng ta nghĩ có cái ngã thật nên mới khổ. Trong bài kinh Tứ Thánh Đế, Đức Phật nâng Khổ đế lên hàng thứ nhất. Theo Đức Phật thì Khổ chia ra làm năm nhóm:
– Nhóm thứ nhất: Bốn khổ lớn là Sanh, Già, Bệnh, Chết.
– Nhóm thứ hai: Xa cách người thân yêu là khổ.
– Nhóm thứ ba: Sống gần gũi hay sống chung với những người, vật, cảnh mình không ưa thích là khổ.
– Nhóm thứ tư: Không toại nguyện những điều mình mong cầu là khổ.
– Nhóm thứ năm: Chấp trước vào thân suy thịnh của mình là khổ. Trong kinh gọi là chấp trước Ngũ uẩn hay Thủ Ngũ uẩn. Đây mới chính là nguồn gốc của khổ đau. Vì chấp cái thân có thật nên mình luyến ái nó, lo lắng, phục vụ nó, lúc nào cũng mong muốn nó tươi trẻ hoài không già, không bệnh, không chết. Nhưng ở đời có ai trẻ hoài, không bệnh và không chết, vì thế mà con người luôn chìm đắm trong biển khổ triền miên của cuộc đời.
– Xá Lợi Tử: Âm từ chữ Sārīputta. Sàrì là Xá Lợi. Putta là Phất, cũng có nghĩa là con, nên chúng ta thấy trong kinh có lúc gọi ngài là Xá Lợi Tử, có khi gọi ngài là Xá Lợi Phất. Ngài là đệ tử lớn trong số 10 vị đệ tử khác của Đức Phật, được Đức Phật tán thán là đệ nhất trí huệ.
Còn hiểu theo giáo lý nhà Phật “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc” chữ Không của vế đầu là tỉnh từ trống không, trống rỗng (śūnya). Chữ Không của vế thứ nhì là danh từ Sự Trống Không, Sự Trống Rỗng (śūnyatà) có nghĩa là “Vật chất không khác với Không, Không cũng không khác với Vật chất”, vì bản thể của vật chất là trống không.
– Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc: Bằng trí tuệ chúng ta nhìn thấy: “Vật chất, bản thể của nó trống không và sự trống không này chính là vật chất “. Từ sự nhìn thấy này chúng ta có thể hiểu: “Thân con người bản thể trống không cho nên con người là không. Và sự trống không này chính là con người”. Để cho rõ nghĩa ở vế thứ hai chúng ta có thể hiểu con người sanh ra do tinh Cha huyết Mẹ kết hợp mà thành. Tinh Cha, Huyết Mẹ, bản thể cũng là trống không, nên trống không đích thị là con người.
Tóm lại, từ thế giới vật chất, chúng ta phải nhận ra bản thể của nó trống không “Sắc tức thị Không”, nhưng chính từ trạng thái trống không đó, nó mới kết hợp lại để trở thành thế giới vật chất “Không tức thị Sắc”. Ở mặt này, chúng ta biết KHÔNG, tự nó có một năng lượng. Đó là năng lượng biến dịch còn gọi là quy luật biến dịch. Quy luật này giải thích sự biến dịch chuyển hoá trong vũ trụ, đồng thời giải thích con người từ đâu mà có, đó là từ nhân từ duyên mà có, vũ trụ cũng thế! Nó có mặt rồi biến đổi theo nhân duyên để trở thành cái khác theo nhân duyên khác. Như vậy dòng sống của con người hay vũ trụ không có nhân đầu và nhân cuối cùng. Dòng sống đó vô thuỷ vô chung, không có bàn tay Thượng đế hay thần linh can thiệp vào.
– Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị: Khi nói bản thể của Sắc trống không, thì bản thể của bốn khối: Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng trống không. Do đó, kết luận bản thể của Ngũ uẩn tức 5 khối đều trống không. Nhưng không phải Ngũ uẩn hoàn toàn không có, nó có nhưng mà vì nó di động, biến dịch luôn nên gọi là Huyễn Có.
Hai câu đầu trong bài kinh nói về TÁNH KHÔNG. Khi chúng ta nhận ra bản thể trống không của con người và vũ trụ, chúng ta sẽ không còn dính mắc, không còn nắm chặt quan niệm cũ cho cái thân này mãi mãi trường tồn nữa… thì đó là Trí Tuệ Ba-La-Mật. Trong kinh dùng chữ “chiếu kiến” không có nghĩa là suy gẫm, suy tư hay là quán chiếu, mà là cái thấy rõ ràng sáng tỏ, do Trí Huệ đã nhận ra bằng Nhận Thức Không Lời cái Tánh Không của con người và vũ trụ. Ngay đây, hành giả đã thể nhập vào KHÔNG rồi, nên nhận ra Ngũ uẩn là Không thì tất cả những điều đau khổ, những chướng ngại ở trên đời thực ra bản thể của chúng cũng là Không.
TÁNH NHƯ / CHÂN NHƯ
Câu “thị chư pháp không tướng” này, đã chuyển qua khía cạnh khác của con người và vũ trụ, đó là nói đến “cái tướng bề ngoài của vạn pháp là trống không, không có gì bên trong nó, tức là nói đến Tánh Như của vạn pháp”. Muốn nhận ra Tánh Như hay còn gọi là Chân Như, phải nhận ra bằng Nhận Thức Không Lời. Chỗ này gọi là trạng thái Atakkàvacara, mà hệ Phát Triển diễn tả là “trạng thái bất khả tư, bất khả thuyết, bất khả tư nghì” nghĩa là không thể suy nghĩ, không thể nói bằng lời, không thể nghĩ bàn. Nhưng không nói ra thì không ai hiểu được, cho nên tạm dùng ngôn ngữ tương đối để diễn tả chỗ Atakkàvacara là chỗ hoàn toàn yên lặng không lời. Đây cũng là nguyên do sau khi Đức Phật thành đạo ngài không muốn đi giảng pháp là vì chỗ ngài chứng ngộ khó thấy, khó chứng, siêu lý luận… không thể dùng lời để giảng giải. Trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật mô tả chỗ này như sau:
“Này các Tỷ-Kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận (atakkàvacara), vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccayatà Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành (sabbe-sakhàra-samtho), sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết Bàn (Nibbana). Rồi này các Tỷ-Kheo, với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp”
Định nghĩa đầu tiên của Chân Như là “cái bề ngoài khách quan của hiện tượng thế gian”. Bề ngoài là tướng. Khách quan là không có những chủ quan trên nó. Chủ quan là những cái mà người đời gán ghép lên cho nó, như tên tuổi, màu sắc, đẹp xấu v.v… gọi là tướng thế gian.
Lấy hết những cái tướng chủ quan đó ra, còn lại “cái tướng khách quan” là cái của chính nó, là tướng thật của nó. Nhưng mà tướng thật của nó là trống không, là không có tướng gì hết, nên mới có thành ngữ “Thực Tướng Vô Tướng” để chỉ Chân Như, nghĩa là cái tướng thực sự của Chân Như là không có tướng gì hết. Đó là cái “khách quan tánh tuyệt đối” của hiện tượng thế gian gọi là Chân Như, tạm gọi là Như Vậy!
Bởi vì, khi nào “có tướng” thì mới có như thế này, như thế khác, thay đổi luôn luôn, gọi là có tướng sanh, có tướng diệt. Còn “không tướng” trong câu “thị chư pháp không tướng“ nghĩa là thật tướng của nó là KHÔNG. Không này là “trống không”. Mà nói “cái tướng trống không” thì lại có nghĩa là “không có tướng“, tức là “cái tướng của nó trống không”. Cho nên ở đoạn này nói đến cái “không tướng” là nói Tánh Như, chứ không phải nói Tánh Không như ở đoạn kinh trên nữa!
Trong trạng thái Chân Như không có cái gì trong đó hết, nó khách quan, không tên tuổi, không dấu vết và nó yên lặng bất động, cho nên nó không có tướng sanh, tướng diệt. Nó cũng không có tướng dơ, tướng sạch. Nó cũng không có tăng lên, cũng không có giảm xuống.
– Thị cố không trung vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;….. Chúng ta nhìn thấy, biết rằng ở “trong cái chỗ trống không” đó, hay là “trong giữa cái trống không” (không: trống không; trung: ở trong hay ở giữa) tức là trạng thái Chân Như không có chứa đựng cái gì hết. Nó chỉ Như vậy thôi! Chân Như là trạng thái khách quan của hiện tượng thế gian, chứ nó không phải là hiện tượng thế gian, cho nên ở đây mới nói phủ định là không có Sắc, không có Thọ, không có Tưởng, không có Hành, không có Thức, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tức là giác quan không có trong đó, cho nên không có nhãn giới, không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có chấm dứt vô minh, không có lão tử cũng không có chấm dứt lão tử, không có cả Tứ Diệu Đế, Bát Chánh đạo, không có Trí cũng không có đắc… nghĩa là trong Chân Như không có cái gì hết, nó chỉ Như vậy là Như vậy thôi!
– Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo: Cũng không có Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế có là đặt trên quan điểm thế gian, đứng trên cái nhìn giống như cái nhìn của người thế gian.
– Chân lý đầu tiên nói cuộc đời là biển khổ, đó là cái nhìn theo Tục đế Bát Nhã, là tại vì con người có cảm thọ thật, nên thấy mình khổ thật, cho nên Đức Phật đồng ý với mọi người rằng là: ” có khổ” và ngài kể ra 8 loại khổ. Đây là cái nhìn Tục đế Bát Nhã có sức thuyết phục của Đức Phật đối với con người bình thường sống ở thế gian này, ngài không giảng dạy những gì xa xôi, mà nói thẳng đến cuộc sống thiết thực của con người là Khổ. Trên đời này bất cứ là ai, dù nghèo, dù giàu, dù đẹp, dù xấu… dù là vua chúa, tổng thống hay thường dân… đều có nỗi khổ riêng của họ, cho nên mọi người dễ dàng chấp nhận Chân lý Khổ do Đức Phật đưa ra.
– Tới chân lý thứ hai là Tập đế, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì đâu mà có tới 8 loại khổ (hay 13 loại khổ)? Đó là vì khát ái từ cái Ngã ý thức mà sinh ra, như vậy là nói có thật khát ái, có thật lậu hoặc. Đây cũng còn là cái nhìn của Tục đế Bát Nhã.
– Vô trí diệc vô đắc: Trí là trí tuệ, cũng không có đạt được cái gì. Nếu nói đạt được cái gì là còn nằm trong Tục đế. Bởi vì khi nói có cái Trí đạt, tức là chưa đạt, là vì còn Ta và đối tượng, còn năng sở, còn cái Ngã, thì làm gì có đạt.
Trong kinh có ghi lời Đức Phật: “Nếu ai nói Như Lai đạt quả Vô Thượng Bồ Đề là phỉ báng Như Lai”, ở chỗ này nếu có quả vị thật để mình chứng đạt thì có nghĩa là mình chưa chứng đạt, mà nếu nói không chứng đạt thì cũng không đúng. Tại sao? Vì nói ra lời là rơi vào quy ước rồi! Cho nên Đức Phật chủ trương Trung đạo, mà Trung đạo bây giờ chỉ Thầm Nhận Biết, hay là Nhận Thức Biết Không Lời thôi, mở miệng nói ra lời, là rơi vào quy ước, rơi vào Tục đế, rơi vào nhị nguyên liền.
Trong kinh dùng chữ “bất” và chữ “vô”, nó có nghĩa là phủ định. Tại sao lại phủ định? Nếu không nói thì không ai hiểu, mà hễ dùng lời là quy ước, cho nên phải dùng phủ định để dẫn dắt tới chỗ không có gì trong Chân Như.
Thí dụ: Tâm Như là chỗ không lời, Atakkàvacara, nhưng nếu không nói ra làm sao người ta biết chỗ này phát huy Trí huệ, thành ra phải nói. Bài kinh này các vị Tổ dùng lời để giảng chỗ không lời. Chỗ nào không có gì hết thì dùng chữ “bất”, dùng chữ “vô” nghĩa là phủ định. Như không tăng không giảm, không cấu, không tịnh, không già, không chết v.v… tức là không có gì hết. Đó là phải tạm dùng lời, vì lời cho nên phải phủ định. Trừ hay loại những phủ định đó ra, thì cái còn lại cái tinh tuý của nó. Cái tinh tuý này tạm gọi là Chân Như, là nó đó, là Atakkàvacara. Chỉ là phương tiện thôi, cho nên những “lời này” cũng giống như “ngón tay” chỉ “mặt trăng” hay “mặt trời”. Phương tiện là lời nói, chữ viết, kinh điển… là quy ước, không phải là “nó”. Nó ở đây là kho báu của mình, là mặt trời trí huệ của mình, là viên ngọc Như Ý trong búi tóc hay trong chéo áo của mình. Nó phát triển tới vô lượng vô biên. Đức Phật gọi là Tathatà, là cái Như vậy. Chúng ta cũng tạm gọi nó là cái Như vậy, cái Như thế!
Nói vô Trí là không có trí tuệ cũng không đúng, mà nói có cũng không đúng. Có trí tuệ thì mới gọi là kho báu, là viên ngọc như ý, tức là lúc đó hoàn toàn an vui không còn khổ nữa và mình có những phương tiện thiện xảo để giúp đời, nhưng mà khi nói có trí tuệ là đã dính mắc, đã rơi vào cái nhìn của thế gian. Mà nói không thì cũng không đúng.
Kinh nói “vô đắc vô trí” là không có đạt gì. Mà thực sự có đạt gì không? Hễ dùng phương tiện thì nói là có đạt, nhưng khi mình hoàn toàn không khởi niệm gì hết thì mình không vướng vô 2 cực đoan Có và Không, là ở trong Trung đạo.
Bằng Trí tuệ, cái gì mình cũng thấy đó là quy luật khách quan, muốn hay không đều phải chịu, và khi mình hiểu bằng Trí tuệ thì mình không khổ, không sợ, thì đó là mình đã thoát ra khỏi quy luật sinh tử rồi. Khi không còn sợ hãi nữa thì “xa rời mộng tưởng”, mình sợ là tại vì mình mộng tưởng, tưởng tượng thôi. Có nhiều khi nỗi sợ của mình không có thật, mà mình cứ tưởng ra, hay vẽ ra, rồi mình sợ hãi. Nên khi tu tập có Trí huệ mình sẽ vượt qua cái sợ, trong kinh gọi là Vô uý. Khi không tác ý tưởng tượng vẽ vời hay tác ý về những hiện tượng thế gian, lúc đó không còn xử dụng tâm thế gian nữa, thì mình đang ở chỗ Tâm Như rồi gọi là Niết Bàn.
Còn đoạn cuối cùng với câu thần chú, thật ra cũng không phải là thần chú, đó chỉ là một câu tiếng Phạn bày tỏ niềm vui tán thán của người đã đạt được sự giác ngộ, đã tới được bến bờ bên kia: Yết-đế, Yết-đế, Ba-La yết-đế, Ba-La-Tăng yết-đế, Bồ-Đề Tát-Bà-Ha (Gate Gate paragate parasamgate Bodhi svara) , chỉ vì câu này viết sau mấy chữ thần chú… nên vô tình người ta tưởng nó huyền bí, chứ nó không có ý nghĩa huyền bí, nó chỉ có nghĩa là: “Đã tới rồi, đã tới rồi, tới bờ bên kia, tới bờ Giác ngộ rồi!”
CỐT LÕI CỦA BÁT NHÃ TÂM KINH
Khi trình bày về Tánh Không, chúng ta nhận thấy văn kinh rất là ngắn gọn, hàm xúc, minh bạch, không mơ hồ. Các Tổ đã đứng trong chỗ đứng của Đức Phật để trình bày cái nhìn Phật Giáo, nói về con người, đó là nói bản thể của con người trống không. Và từ cái nhìn này, sẽ có cách đưa con người thoát ra khỏi mọi khổ đau ở trên đời.
Mục tiêu giảng dạy bài này của chư Tổ nói lên được mục tiêu giảng dạy của Đức Phật khi ngài nói: “Tất cả nước trong đại dương có một vị mặn, đạo của Ta cũng có một vị thôi, đó là vị thoát khổ”. Trong cái nhìn này, Phật giáo không mơ hồ, viễn vông, mà giúp con người ngay khi còn sống chứ không hứa hẹn ở tương lai xa vời. Bài Bát Nhã Tâm Kinh này quả thật xứng đáng để chúng ta học hỏi vì đã nói đúng theo chân ý của Đức Phật là:
– Đưa con người thoát khỏi khổ đau triền miên, đó là cái nhìn của Tánh Không. Cái nhìn Không là cái nhìn Trung đạo của Phật giáo không rơi vào cực đoan Thường kiến và Đoạn kiến. Con người có thật nhưng bản thể trống không, nghĩa là Vô ngã phá tan xiềng xích của Chấp Ngã.
– Các vị Tổ khai triển Trí tuệ rốt ráo tới bờ bên kia là khai triển tới Chân Như. Chân Như cũng nằm trong Trung đạo, nó cũng tương tự như Không, như chỗ đứng của Huyễn. Đó là thế chân vạc, thế đứng vững chắc để phát huy Trí huệ kiện toàn là Bát Nhã Ba-La-Mật.
– Các chư Phật ba đời cũng qua Chân Như mà phát huy Trí huệ siêu vượt.
KẾT LUẬN
Con đường tâm linh là con đường dài thăm thẳm, trơn trợt nhiều hơn là bằng phẳng. Nhờ có phước báo lớn lao mới gặp được Minh Sư dẫn dắt, nếu không sẽ lạc vào khu rừng âm u tăm tối, không biết đến đời nào kiếp nào mới thấy được ánh sáng Phật pháp. Bước đầu chúng ta còn ở “bờ bên này”. Muốnđến được “bờ bên kia” thật là gian nan vô cùng. Nếu không khó khăn, thì Tổ đã không nói phải mất đến 3 A-Tăng-Kỳ kiếp mới đạt đạo. Nhưng mà đã quyết chí đi trên con đường tâm linh thì mình phải tuân theo một số điều kiện của bậc Thầy Tổ đưa ra.
Phải lấy bài học của Đức Phật mà rút kinh nghiệm cho bản thân mình, đó là Pháp tu rất là quan trọng. Sau khi Đức Phật thành đạo, ngài nhận ra sự thành đạo của ngài là nhờ Pháp. Pháp đó là Chân Như. Ngài đã đảnh lễ và tôn Pháp là vị thầy của ngài.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dặn dò đệ tử: “Sau khi ta diệt độ, các ông lấy Chánh Pháp làm Thầy”. Đức Phật dạy nhiều Pháp lắm, Pháp nào cũng đúng, chúng ta làm sao biết Pháp nào mà chọn? Trong bài kinh này chúng ta thấy các Tổ đã hướng dẫn chúng ta Chánh Pháp là Chân Như. Phật và Tổ đã dạy: “Y Pháp bất y Nhân”, không vì tình cảm chủ quan đối với một vị Thầy, mà phải chọn Pháp tu. Trên đường tu, phải học vừa giáo lý vừa thực hành, phải tu Huệ và tu Định. Phải kinh nghiệm cái Biết Không Lời của Tánh Giác để tâm được tĩnh lặng, đồng thời phải thực hành trong 4 oai nghi để đi đến cuối cùng là kinh nghiệm Nhận Thức Biết Không Lời tức đạt được trạng thái Tâm Như.
Đó là những tiến trình tu tập đòi hỏi thời gian, hãy khép mình vào kỷ luật, kỷ luật của mình là an trú thường xuyên trong Tánh Giác, lúc nào cũng có cái Biết Không Lời qua nghe, thấy, xúc chạm. Trong kinh gọi là Chánh Niệm. Thực hành miên mật trong 4 oai nghi sẽ đưa đến Chánh Niệm Tỉnh Giác, và khi đó mình sẽ kinh nghiệm trạng thái Tâm Như.
Trước khi ngưng bài viết “Tìm hiểu Ý Nghĩa bài kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh”. Chúng con kính dâng lòng biết ơn đến Ân Sư Thông Triệt đã hết lòng chăm chút dắt dìu chúng con trên con đường Về Nhà. Đường tuy còn xa lơ xa lắc, nhưng phía trước đã có ngọn đèn soi sáng là Thầy, chúng con không ngại lạc vào vũng tham vọng khát ái, quyết theo con đường mòn của Đức Phật để lại, và theo dấu chân Ân Sư cũng như các bậc tôn túc trưởng lão chân chánh để từng bước đến được bờ bên kia. Chúng tôi cám ơn quý độc giả dành thời giờ đọc bài viết khô khan này, và kính chúc quý vị luôn được thân tâm thường an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ (15/11/2015)
Tài liệu :