Phòng bệnh có chi phí rẻ hơn chữa bệnh, đây là điều hiển nhiên khi xét về mặt kinh tế, xã hội và cá nhân. Trong đời sống thực tế việc chăm sóc sức khỏe ban đầu hay phòng bệnh đang tự nhiên diễn ra khắp nơi.
Đối với trẻ em, nhiều chương trình y tế như chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe học đường, chăm sóc răng trẻ em, chương trình thể thao, thể dục trong trường học… giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em ngày một tốt hơn.
Ở nước ta, sức khỏe trẻ em được chú trọng, tỷ lệ tử vong chu sinh (tỷ lệ em bé chết sau khi sinh) giảm thiểu, các nhà bảo sinh được nâng cấp, các chương trình chủng ngừa được duy trì và khuyến khích mọi gia đình tham gia. Tuy nhiên báo động trình trạng trẻ em béo phì và cận thị ngày càng nhiều. Đây là một vấn đề mà ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung cần phải lưu tâm.
Mạng internet phát triển, người lớn đã có thêm kiến thức. Việc phòng bệnh cho người lớn bằng cách tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong xã hội ngày được mọi người quan tâm nhiều hơn.
Trong bữa ăn, người ta đã biết chú ý nhiều đến thực phẩm sạch, đến sự nguy hại của rau quả bị xịt thuốc, phản đối các gia vị chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe. Song thực phẩm độc hại vẫn len lỏi vào mâm cơm của từng gia đình. Để cải thiện tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Có một thực trạng đáng lo ngại là chuyện ăn nhậu đang ngày một gia tăng, vấn nạn này gây hậu quả “nhẹ” là đã xảy ra rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu. “Nặng” hơn là không ít người đã bị tổn hại thần kinh, suy gan suy thận và tử vong do đánh nhau hoặc do tai nạn giao thông, mà nguyên nhân là do quá lạm dụng rượu, bia.
Ý thức trong dinh dưỡng ăn uống của người Việt đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây, chất lượng bữa ăn được nâng cao, xử lý thức ăn, nước uống đã hợp vệ sinh hơn, làm giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm. Người dân bị nhiễm giun, sán ít dần, bệnh tả, lị ngày càng giảm.
Do có sự thay đổi đáng kể về chất lượng khẩu phần ăn, nên các bệnh rối loạn chuyển hóa ngày càng bùng phát như tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ… từ đó dẫn đến các bệnh về tai biến mạch máu não, đột quỵ, bệnh tim mạch ngày càng nhiều hơn.
Đời sống gia đình nâng cao, nơi ở của người dân được gọn gàng, ngăn nắp, nhiều ánh sáng, ít muỗi mòng gây bệnh. Các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết ngày càng ít đi.
Bệnh về da, ký sinh trùng da như chấy rận cũng ngày càng giảm. Tuy vậy môi trường sống chung trong xã hội thì ngày càng ô nhiễm khiến cho các bệnh dị ứng, hen suyễn, khí phế thủng ngày càng gia tăng.
Những cơ sở tập luyện thể dục, thể thao (gym, yoga, nhà thi đấu đa năng…) “mọc” lên ngày càng nhiều, thiết thực giúp đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe. Mặt khác, công việc công sở tăng lên, số thời gian ngồi làm việc cũng tăng lên, thời gian vận động lại ít đi khiến gia tăng tỉ lệ mắc béo phì, teo cơ, đau lưng…
Trên các góc phố, những nhà thuốc tây đã có sẵn để phục vụ sức khỏe cho người bệnh ngay khi cần đến mà không chờ đến y lệnh của bác sĩ hay phải nhập viện. Các nhà thuốc tây này đóng vai trò của các thầy thuốc gia đình cho dân cư trong vùng.
Thế nhưng, tình trạng sử dụng kháng sinh sai ngày càng tăng dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như tình trạng lờn kháng sinh trong cộng đồng. Cá biệt một số trường hợp một loại thuốc bắt buộc phải do bác sĩ kê đơn, nhưng lại được cung cấp tự do dẫn đến có thể gây hại cho người dùng.
Về mặt xã hội, khi kinh tế gia đình phát triển tốt, mối quan hệ giao tiếp cá nhân sẽ trở nên tốt hơn, tạo hạnh phúc nhiều hơn. Đồng thời những mặt tiêu cực của một nền kinh tế phát triển cũng mang lại nhiều đau khổ cá nhân. Tình trạng bất công trong gia đình và xã hội do thiếu quản lý nghiêm nhặt cũng gây nên bất hạnh, góc độ này gọi là bị thiếu sức khỏe về mặt tinh thần.
Bảo hiểm y tế toàn dân được triển khai rộng rãi mang lại dịch vụ y tế tốt hơn, giảm gánh lo về chi phí khám chữa bệnh cho nhiều người nghèo. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đang tạo nên những hệ lụy tiêu cực trong việc khám và điều trị bệnh từ các quy định kiểm soát còn bất cập của cơ quan chi trả BHYT.
Qua những nội dung vừa kể trên, có thể nói nhiều yếu tố tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nước ta đã hình thành, đồng thời cũng phát sinh những yếu tố tiêu cực. Vấn đề ý thức, kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân cần phải được nâng cao hơn nữa.
Mỗi người dân từ trẻ tuổi đến cao niên đều cần được hướng dẫn, huấn luyện phương cách tự bảo vệ sức khỏe, góp phần chống ô nhiễm môi trường để bảo vệ sức khỏe chung cho mọi người xung quanh và cho chính mình.
Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 7/4 hằng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới để từng cá nhân được nhắc nhở phải bảo vệ vốn quý nhất của bản thân, đó là sức khỏe.