Hiện nay, dân số thế giới đã vượt qua mốc 7 tỉ người. Nếu mỗi người dân sống như nhu cầu của một người Pháp, chúng ta cần 2,5 lần diện tích Trái Đất mới có thể đủ đáp ứng nhu cầu. Nếu tất cả chúng ta sống như những người Mỹ, chúng ta cần 4,1 lần diện tích Trái Đất và để sống như những người dân thuộc các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cần phải có 5,4 lần diện tích Trái Đất. Nhu cầu của con người ngày càng gia tăng thì sức chịu đựng của Trái Đất ngày càng giảm. Nhưng vấn đề là chúng ta chỉ có 1 Trái Đất, bởi vậy việc giáo dục về dấu chân sinh thái cho học sinh tiểu học và cộng đồng dân cư là cần thiết hơn bao giờ hết.
Hình 1.Mô phỏng “Nếu mọi người đều sống như …”
(Nguồn: http://visual.ly/if-worlds-population-lived)
“Dấu chân sinh thái là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ CO2, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.”[1][4].
Phép tính“dấu chân sinh thái”được sử dụng như một công cụ để so sánh nhu cầu của con người với sức tải sinh học – khả năng tái tạo tài nguyên và hấp thụ chất thải của Trái đất, bằng cách chuyển đổi các diện tích có khả năng cung cấp năng suất sinh học sang đơn vị chuẩn hecta toàn cầu (gha).[3]
Hình 2.Cách tính Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học.
Công thức tính dấu chân sinh thái
EF = D/ Y
Trong đó D: nhu cầu hàng năm của một sản phẩm
Y: năng suất hàng năm của sản phẩm đó (đơn vị: ha)[2]
Theo số liệu thống kê từ Footprintnetwork, Việt Nam với dân số là 86,1 triệu người hiện đang ở giữ dấu chân sinh thái của mình ở mức 1,4 (theo hình 3).
Nguồn: Footprint network
Hình 3.Dấu chân sinh thái của Việt Nam
Chỉ số dấu chân sinh thái của Việt Nam tính theo đầu người hiện nay còn thấp so với các nước trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa là việc tiêu thụ các nguồn lực thiên nhiên của chúng ta chưa cao khi so sánh với thế giới. Tuy nhiên, thực tế chúng ta hiện vẫn đang là một nước phát triển nông nghiệp, nếu chúng ta muốn cải thiện đời sống người dân, chúng ta bắt buộc phải phát triển công nghiệp, nhà cửa, phố xá, giao thông….và tại thời điểm đó, dấu chân sinh thái của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều. So sánh dấu chân sinh thái và sức tải sinh học của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1960 đến 2007 ( hình 4), chúng ta dễ dàng nhận thấy khi mà sức tải sinh học đang ngày càng giảm đi, thì dấu chân sinh thái của con người lại đang ngày càng tăng lên. Và đến thời điểm năm 2007, dấu chân sinh thái của Việt Nam đã cao hơn so với sức tải sinh học mà thiên nhiên có thể đáp ứng.
Nguồn: Ecological Footprint network
Hình 4.Đồ thị mô tả mối tương quan giữa dấu chân sinh thái và sức tải sinh học.
Chỉ số dấu chân sinh thái được coi là một chuẩn mực để đánh giá và định hướng họat động nhằm vừa phục vụ lợi ích của con người mà không làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái trên hành chúng tôi cầu của con người ngày càng gia tăng trong khi khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải của môi trường ngày càng suy giảm. Dấu chân sinh thái đang có xu hướng gia tăng ở tất cả các nước. Điều đó có nghĩa là sức chịu đựng của Trái đất với những hành động của con người gây ra đang ngày càng giảm đi. Phân tích dấu chân sinh thái không chỉ đo được khoảng cách bền vững, nó còn chỉ ra một cách nhìn sâu sắc vào chiến lược phát triển đô thị bền vững. [5]
Do đó, chúng ta cần cấp thiết hướng dẫn cho trẻ em hiểu cách các em, bố mẹ, gia đình, bạn bè và mọi người đang tác động đến môi trường, định hướng cho các em phải có ý chí làm giảm dấu chân sinh thái của chúng ta trên Trái Đất để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta ngày nay và mai sau. Việc thành lập dự án “Dấu chân sinh thái” trong trường học có ý nghĩa rất lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường bởi vì mục tiêu lớn nhất của giáo dục bảo vệ môi trường chính là “Giáo dục vì môi trường”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alan Calcott, Jamie Bull (2007), Ecological footprint of British city residents, WWF , United Kingdom.
2. Dusan Krnel, Stanka Naglic (2009), “Environmental literacy comparison between eco-schools and ordinary schools in Slovenia”, Science Education International, Vol.20, No.1/2, 5-24.
3. Elsevier (2013), Ecological Indicators (intergrating, monitoring, assessment and management, United Kingdom.
4. Ewing B., D. Moore, S. Goldfinger, A. Oursler, A. Reed, and M. Wackernagel. (2010), The Ecological Footprint Atlas 2010, Global Footprint Network.
5. William Rees, Mathis Wackeragel (2008), “Urban Ecological Footprints: Why cities cannot to be sustainable – and why they are a key to sustainability”, Urban Ecology: an International Perspective on the Interaction between Humans and Nature, Springer, United States.
Trịnh Vân Kiều Hoa- THCS Tam Đảo