Đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30 và 31/1/1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn- Gia Định, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự đầu não của Mỹ- Ngụy.
Cuộc chiến diễn ra khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Song, bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược.
Bằng chứng là, sau một tháng, tướng Oetmolen- Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức. Tháng 3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai… Đó là sự thừa nhận đầu tiên, nhưng đầy đủ nhất sự phá sản của “Chiến lược cục bộ”- chiến lược chiến tranh quan trọng nhất của Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 dù chưa đạt được yêu cầu theo khả năng như dự kiến, và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện chiến tranh, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969: “Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống đô thị của chúng trên quy mô toàn miền Nam, tạo bước chuyển đột biến trong cục diện chiến tranh. Quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.
Trước so sánh lực lượng địch- ta đã biến đổi có lợi cho ta, chiến lược của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Ngày 31/3/1969, Giôn-xơn đã phải thú nhận thất bại, thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc và rút lui việc ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần quốc tế cao cả.
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chính là dịp để tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam lần nữa được phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phạm Ngọc Quốc